Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

THƯ PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM GỬI CHỦ TỊCH QUỐC HỘI.


PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM
Ngày 13 tháng 06 năm2012,

Kính gửi: Ông Nguyễn Sinh Hùng- Chủ tịch quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam

V/v: Phong trào con đường Việt Nam và Hiến chương Chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới.

Chúng tôi ký tên dưới đây là những người khởi xướng và sáng lập phong trào Con đường Việt Nam vừa được chính thức phát động rộng rãi đến nhân dân hôm 10 tháng 06 năm 2012. Nó cũng sẽ ra Lời kêu gọi xây dựng Hiến chương Chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới đến rộng khắp các công dân Việt Nam và Quốc tế.

Chắc ông cũng đã biết phong trào này đang được hưởng ứng vì tinh thần hòa hợp của nó và vì tinh thần "Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh" mà nó tiếp nối từ phong trào Duy Tân do nhà yêu nước Phan Chu Trinh khởi xướng. Cho dù còn rất nhiều rào cản phải vượt qua nhưng chúng tôi tin chắc rằng sự tiếp nối này sẽ lớn mạnh thành một hoạt động chính trị rộng rãi của quần chúng nhân dân thuộc mọi tầng lớp bởi tinh thần trên của nó, bởi tính khoa học và hợp quy luật khách quan của nó, bởi sự hợp lòng dân của nó, và bởi nguyên tắc phi tư tưởng chủ nghĩa của nó.

Phong trào Con đường Việt Nam chỉ hướng đến việc xây dựng cho được một nền tảng chính trị vững chắc cho đất nước nhờ thực sự lấy dân làm gốc. Chỉ có trên một nền tảng như vậy thì các quan điểm chuẩn tắc, các tư tưởng chủ nghĩa mới có thể bám rể vững vàng để tồn tại và phát triển nếu thuyết phục được lòng dân. Ngược lại, thiếu hoặc yếu một nền tảng như thế thì mọi quan điểm chuẩn tắc, mọi tư tưởng chủ nghĩa đều sẽ sụp đổ bất chấp lý tưởng của nó có tốt đẹp đến đâu đi nữa, bất chấp sức áp đặt của nó có ghê gớm đến thế nào đi nữa.

Đó chính là căn nguyên của hiện tượng tan rã chủ nghĩa Lê-nin ở Liên xô và Đông Âu bất chấp những lý tưởng tốt đẹp của học thuyết Mác. Nhưng cũng chính lý tưởng này đã dẫn đến một hình thái dân chủ xã hội rất thành công và mang lại những cuộc sống tốt đẹp bậc nhất hành tinh này ở các nước Bắc Âu - nơi mà quyền con người được bảo vệ trên hết và bình đẳng, nơi mà các quyền này ngự trị ở vị trí tối thượng, trên tất cả mô hình nhà nước dù đó là cộng hòa hay quân chủ lập hiến.

Trong một môi trường tự do như vậy mà các đảng dân chủ xã hội gần như là sự lựa chọn duy nhất của người dân ở đó để làm đảng cầm quyền cho mình. Điều này có được không chỉ bởi sự tốt đẹp của học thuyết và lý tưởng của các đảng đó, mà quan trọng hơn, là những điều tốt đẹp đó đã trở thành của nhân dân vì đích thân họ đã lựa chọn nó bởi họ thấy nó được thiết kế ra do nhân dân của họ, và kết cục là họ đã trực tiếp chứng kiến được và thụ hưởng được thành quả mà nó mang lại là thực sự vì nhân dân của họ.

Trên đây chính là cách thức mà quyển sách Con đường Việt nam đã dày công nghiên cứu nhằm chỉ ra và đề nghị cho nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam và đảng Cộng sản Việt nam một con đường khoa học, hợp quy luật và hợp lòng dân để nhanh chóng xây dựng thành công một nước xã hội chủ nghĩa tốt đẹp cho Việt nam ta. Nhưng tiếc rằng các tác giả của quyển sách này đã bị kết án vì mục đích như vậy của nó, đánh mất một cơ hội quý giá để tránh được sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng hiện nay của đất nước. Dù vậy quyển sách Con đường Việt nam vẫn vượt qua bao khó khăn để dẫn đến sự ra đời của phong trào Con đường Việt nam ngày nay.

Mặc dù đang trong tù, nhưng anh Trần Huỳnh Duy Thức - người khởi xướng đầu tiên của phong trào Con đường Việt nam - vẫn vượt qua những khó khăn, thiếu thốn để viết tay một tập tài liệu hơn 40 trang gửi đến ông vào ngày 31/08/2011. Tài liệu này giới thiệu phong trào Con đường Việt nam và đề nghị ông Chủ tịch quốc hội ủng hộ nó vì sự phát triển dân chủ, thịnh vượng cho nhân dân. Không biết ban Giám thị trại giam Xuân Lộc có chuyển đến ông tài liệu này không nhưng chắc chắn rằng ông có thể yêu cầu họ gửi đến ông. Chúng tôi thực sự mong ông hãy dành thời gian để tham khảo tài liệu này để thấy được giá trị của những giải pháp mà quyển sách Con đường Việt nam đưa ra, của tinh thần hòa hợp, đoàn kết của phong trào Con đường Việt nam và cả tinh thần không hận thù, chấp ngã của những người khởi xướng nó.

Còn rất nhiều những kiến nghị, thỉnh nguyện khác của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước đã gửi đến Quốc hội nhưng không hề được hồi âm, làm cho người dân chúng tôi không tránh khỏi sự ngờ vực về tính đại diện của Quốc hội.

Tôi viết thư này thay mặt cho phong trào Con đường Việt nam. Trước hết xin lưu ý với ông rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại biểu cho nhân dân. Đối tượng nhân dân là rất cụ thể, là mỗi người dân, từng người một chứ không đòi hỏi phải là một tập thể hay tập hợp một nhóm người nào đó. Do vậy Quốc hội cụ thể là người đứng đầu Quốc hội hoặc từng đại biểu Quốc hội phải có trách nhiệm tối thiểu là phải trả lời các ý kiến của người dân - bất kỳ ai, kể cả những người đang bị thụ án hình sự - cho dù đó là những ý kiến đơn lẻ và chỉ vì mục đích riêng hay sinh kế của người đó, chứ đừng nói là những ý kiến đóng góp vì quốc kế dân sinh. Kế tiếp tôi sẽ đưa ra những yêu cầu của người dân chúng tôi đối với người đứng đầu Quốc hội và cả Quốc hội mà ông là người có trách nhiệm tiếp nhận.

Thứ nhất, chúng tôi yêu cầu Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội phải thực hiện ngay tất cả các biện pháp hiệu quả bằng trách nhiệm và quyền lực cao nhất của nhân dân mà các vị đã nhận lãnh để bảo đảm cho người dân chúng tôi sử dụng được các quyền công dân của mình đầy đủ như đã được qui định thiêng liêng trong Hiến pháp và Các Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa mà Nhà nước đã thay mặt tất cả nhân dân ký tham gia, thể hiện nguyện vọng của đa số nhân dân chúng tôi muốn hưởng thụ tất cả các quyền đó và sử dụng chúng theo cách mà các công ước này quy định như một chuẩn mực chung phổ quát cho bất kỳ ai là con người trên quả đất này mà không phân biệt quốc gia hay quan điểm chính trị, v.v... Tôi đặc biệt lưu ý các vị về những quyền được quy định tại điều 69 Hiến pháp hiện hành. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các quyền này để hoạt động phong trào Con đường Việt nam mà không cần phải xin phép ai hay tổ chức nào cả. Vì Quốc hội cũng chưa thông qua bất kỳ luật nào để hạn chế, điều chỉnh các quyền này và các hoạt động phong trào nên chúng tôi cũng không cần phải đăng ký các hoạt động này với nơi nào cả.

Thứ hai, thông qua Chủ tịch Quốc hội chúng tôi yêu cầu Ủy ban thường vụ Quốc hội ra văn bản giải thích các điều 2, điều 12, điều 50 của Hiến pháp 1992 và những điều luật liên quan đến các điều này nếu có. Lý do chúng tôi yêu cầu là vì đang tồn tại trên thực tế rất nhiều những cách hiểu và vận dụng sai ý nghĩa của các điều này tại các cơ quan hành pháp và tư pháp theo hướng bất lợi cho người dân, xâm phạm quyền và lợi ích của họ. Trong khi ý nghĩa đúng đắn của các điều này hợp với nhau tạo thành một giá trị vì con người rất tiến bộ và phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại và các giá trị phổ quát toàn cầu mà luật pháp quốc tế bảo vệ. Đó chính là giá trị "Quyền con người trong nhà nước pháp quyền" mà qua đó mọi công dân sử dụng được ngay tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của mình đã được Hiến pháp bảo vệ mà không phải đợi bất kỳ sự cho phép nào vì không có bất kỳ ai hay tổ chức nào có quyền cấp phép đó cả; và công dân chỉ phải chịu những hạn chế nào khi sử dụng các quyền này nếu có luật quy định phạm vi hạn chế đó.

Thứ ba, nếu có những cách hiểu khác nhau về các điều trên của Hiến pháp thì chúng tôi yêu cầu Quốc hội phải tổ chức trưng cầu dân ý để xác định ý nghĩa đúng đắn của chúng theo cách hiểu của đa số nhân dân. Đây là cách duy nhất để có thể đảm bảo quyền lực cao nhất của Nhà nước pháp quyền thuộc về nhân dân và chống lại hiệu quả việc lợi dụng quyền lực của nhà nước để phục vụ cho quyền lợi của bất kỳ ai hay tổ chức nào thông qua việc giải thích hoặc vận dụng Hiến pháp và Luật theo cách chủ quan của họ. Đây là nguyên nhân dẫn đến nạn lạm quyền và vi hiến tràn lan thời gian qua.

Chúng tôi chờ đợi thư sớm trả lời của các vị đối với 3 yêu cầu trên của phong trào Con đường Việt nam.

Chúc ông sức khỏe và chào hợp tác.



Lê Thăng Long
Người khởi xướng kiêm quyền Trưởng ban quản trị.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét