Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

QUY CHẾ QUẢN TRỊ ĐIỀU HÀNH TẠM THỜI CỦA PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM


PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM

QUY CHẾ QUẢN TRỊ ĐIỀU HÀNH TẠM THỜI

(Bản thảo, xin được góp ý)


NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

Phong trào Con đường Việt Nam là hội của những người tự nguyện cùng phấn đấu vì mục tiêu của nó theo quan điểm, phương thức hành động, tôn chỉ và cương lĩnh của nó.
Phong trào Con đường Việt Nam không phải là một đảng chính trị hoạt động nhằm tìm kiếm nhiệm kỳ cầm quyền tại Việt Nam. Do vậy những người tham gia ban quản trị của nó chỉ bằng tư cách cá nhân của mình chứ không bằng sự đại diện cho bất kỳ đảng phái hay tổ chức chính trị nào, dù rằng họ có thể đã và đang là thành viên của các chính đảng hoặc tổ chức khác nhau.
Việc quản trị, điều hành sẽ theo nguyên tắc mở:
- Mỗi thành viên ban quản trị được chủ động và có quyền nhân danh phong trào Con đường Việt Nam để phát biểu, thực hiện các hành động nhằm phục vụ cho mục tiêu và các chương trình hành động của nó.  Tuy nhiên những lời nói và hành động đó không phải là tuyên bố chính thức của Phong trào và vẫn có thể khác với các tuyên bố này nhưng không trái với quan điểm, phương thức hành động, tôn chỉ và cương lĩnh của nó. Thành viên Ban quản trị  phải tự chịu trách nhiệm với những việc làm theo quyết định riêng của mình
- Ban quản trị sẽ quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của nó theo nguyên tắc đa số.
- Ban quản trị sẽ quyết định ra đời và kết thúc các chương trình hành động của phong trào Con đường Việt Nam. Khi một chương trình hành động chưa có hoặc đã hết hiệu lực thì không thành viên ban quản trị nào được nhân danh phong trào Con đường Việt Nam để hành động vì chương trình đó.

BAN QUẢN TRỊ

Ban quản trị là bộ phận điều hành có thẩm quyền cao nhất của phong trào Con đường Việt Nam (gọi tắt là Phong trào), bao gồm các thành viên Ban quản trị. Ban quản trị có thẩm quyền đối với các quyết định sau:
- Quy chế quản trị điều hành của Phong trào: bao gồm mô hình tổ chức, quản lý, nhân sự; các phương thức bầu chọn, bổ nhiệm và bãi miễn các thành viên Ban quản trị và những vị trí có chức trách điều hành khác.
- Các chương trình hành động của Phong trào, bổ nhiệm người tham gia Ban điều hành các hoạt động của các chương trình này và việc kết thúc chúng.
- Các tuyên bố chính thức của Phong trào được công bố đại chúng về quan điểm đối với các hoạt động của Phong trào và các hoạt động không phải của Phong trào cũng như đối với diễn biến, tình hình và các sự kiện trên toàn thế giới.
- Việc hợp tác với các đối tác khác trong việc thực hiện các chương trình hành động  của Phong trào, hợp tác thực hiện các hoạt động khác của các đối tác không phải của Phong trào.
- Các chương trình nghị sự (gọi tắt là nghị trình) về các công tác quản trị điều hành của Phong trào cho từng định kỳ 6 tháng và 1 năm.
- Bầu chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự theo quy chế quản trị điều hành.
Tên tiếng Anh của Ban quản trị là Board of management (BOM). Nhiệm kỳ của BOM sẽ do BOM quyết định trong quy chế quản trị điều hành chính thức.

THÀNH VIÊN BAN QUẢN TRỊ

Thành viên Ban quản trị (Board of management member  - BOMM) là những người được bầu chọn theo quy chế quản trị điều hành và phải là những người tự nguyện và mong muốn đảm nhận vị trí này. Họ có thể là những người tự ứng cử hoặc do người khác đề cử.
BOMM có quyền nhân danh Phong trào bằng tư cách thành viên Ban quản trị của mình để phát biểu hoặc hành động nhằm phục vụ cho các mục tiêu của Phong trào, hoặc các chương trình hành động của Phong trào đang còn hiệu lực hoạt động như nguyên tắc đã nói trên.
BOMM tham gia quyết định những gì thuộc thẩm quyền của BOM bằng lá phiếu của mình. Mỗi BOMM có một phiếu tương đương nhau trong mọi việc bỏ phiếu ra quyết định của BOM.
BOMM có thể bị bãi nhiệm tư cách này theo quyết định của BOM. BOM sẽ xem xét để thông qua quyết định này nếu có ít nhất 10% tổng số BOMM hiện hành cùng đề nghị BOM quyết định việc bãi nhiệm này. Đề nghị này phải được gửi kèm với nhưng lý do chứng minh rõ ràng là người bị đề nghị bãi nhiệm đã đi ngược lại mục đích, tôn chỉ, cương lĩnh của Phong trào đã được công bố. người bị bãi nhiệm sẽ không được tham gia ứng cử vào BOM trong vòng 02 năm sau đó.
Số lượng và nhiệm kỳ của BOMM được quy định trong quy chế quản trị điều hành chính thức. 
Các BOMM đầu tiên sẽ bao gồm những người khởi xướng (the movement's initiator - MI)  và người sáng lập (the movement's founder - MF) của Phong trào. MF sẽ được ít nhất 2 MI cùng mời sáng lập và đồng ý tham gia. Thời điểm cuối cùng được mời người tham gia sáng lập là 30 ngày từ ngày chính thức phát động Phong trào ra công chúng. Thời hạn mà thư mời còn giá trị là tối đa 30 ngày kể từ ngày gửi thư mời. Tổng số các BOMM đầu tiên tùy thuộc vào số người được mời đồng ý tham gia sáng lập vào thời điểm hết hạn của thư mời tham gia sáng lập cuối cùng được gửi đi. Số lượng BOMM hiện hành (để tính cho việc biểu quyết) trước khi đến thời điểm này là số lượng người sáng lập đồng ý tham gia vào thời điểm cần biểu quyết. 
Vào thời điểm một năm kể từ ngày chính thức phát động Phong trào ra công chúng sẽ bầu lại các BOMM mới theo qui chế quản trị điều hành chính thức, có thể bầu những người khác không nhất thiết là từ những MI hoặc MF và phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ. Khi đó những người khởi xướng và sáng lập cũng phải tham gia tranh cử nếu muốn tiếp tục là BOMM, và không có lợi thế gì khác so với các ứng cử viên khác.
Nhiệm kỳ của những BOMM của Ban quản trị đầu tiên và nhiệm kỳ của BOM đầu tiên là 01 năm từ ngày chính thức phát động Phong trào đến công chúng.
Các BOMM cần chủ động đưa ra các biện pháp hành động của mình hoặc phối hợp với các BOMM khác và những người khác ngoài BOM để đạt được càng nhiều kết quả càng tốt giúp cho việc hoàn thành các mục tiêu của Phong trào và của các chương trình hành động của Phong trào. Ngoài ra, nếu các BOMM đồng ý thì sẽ thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng ban quản trị.
BOMM là những người đã đủ 20 tuổi và có thể mang bất kỳ quốc tịch nào.

TRƯỞNG BAN QUẢN TRỊ

BOMM sẽ bỏ phiếu để bầu một người trong số họ làm trưởng ban quản trị (board of management chief – BOMC) từ những ứng viên tự ứng cử hoặc được đề cử. Bất kỳ BOMM nào cũng được tự do ứng cử hoặc đề cử làm BOMC. Không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho BOMC. Người thắng cử trở thành BOMC là người nhận được phiếu đồng ý nhiều nhất và phải đạt được hơn 50% tổng số phiếu tham gia bầu chọn. Nếu không ứng viên nào đạt được yêu cầu này thì 02 người có số phiếu đồng ý nhiều nhất sẽ được tiếp tục bỏ phiếu bầu vòng 02. Vòng này ai có phiếu đồng ý cao hơn sẽ thắng cử.
BOMC có quyền thay mặt BOM để công bố các quyết định của BOM và tổ chức thực hiện các quyết định đó.
BOMC quyết định các nghị trình về công tác quản trị điều hành của BOM theo từng tháng, từng quý phù hợp với nghị trình 06 tháng, 01 năm mà BOM đã quyết định, và tổ chức chuẩn bị các tài liệu cho việc này.
BOMC tổ chức việc bỏ phiếu thông qua các quyết định hoặc bầu chọn, bổ nhiệm, bãi miễn nhân sự thuộc thẩm quyền của BOMC.
Nhiệm kỳ của BOMC do quy chế quản trị điều hành quy định nhưng không nhất thiết đi theo nhiệm kỳ của BOM. BOMC có thể bị bãi nhiệm trước khi hết nhiệm kỳ nếu như có ít nhất 20% tổng số BOMM hiện hành cùng đề nghị BOM quyết định việc bãi nhiệm BOMC.
BOMC còn có những quyền hạn khác được quy định trong phần phương thức bỏ phiếu của ban quản trị dưới đây.
Từ lúc chính thức phát động Phong trào ra công chúng đến khi hoàn tất danh sách những người đồng ý tham gia sáng lập Phong trào thì anh LÊ THĂNG LONG – người khởi xướng (MI) Phong trào sẽ nắm quyền BOMC đến khi Ban quản trị đầu tiên bầu ra BOMC đầu tiên. Cũng trong thời gian này nếu vì lý do bị bắt hoặc những sự bất khả kháng khác mà không thể thực hiện được quyền này thì những người do anh LÊ THĂNG LONG chỉ định sẽ đảm nhận quyền này theo trình tự quy định dưới đây cho đến khi bầu được BOMC đầu tiên.

CÁC PHÓ BAN QUẢN TRỊ

BOM sẽ bầu ra 04 người trong số họ làm phó ban quản trị (board of management deputy – BOMD) từ những ứng viên tự ứng cử hoặc được đề cử một cách tự do mà không phải theo một tiêu chuẩn nào. BOMM sẽ bỏ phiếu chọn 04 ứng viên trong danh sách ứng cử. Bốn BOMD trúng cử sẽ là những người đạt phiếu bầu chọn nhiều nhất. Trong 04 người này người nào có phiếu cao nhất sẽ là phó ban quản trị thứ nhất (BOMD1), tiếp theo là BOMD2, BOMD3, BOMD4.
Nếu BOMC vì lý do nào đó không thể tiếp tục nhiệm vụ của mình chẳng hạn như bị bãi nhiệm hoặc những trường hợp bất khả  kháng như bị bắt thì BOMD1 sẽ thay thế BOMC. Nếu BOMD1 cũng không thể tiếp tục nhiệm vụ như vậy thì BOMD2 sẽ tiếp nhận quyền BOMC. Và cứ tiếp tục như vậy, BOMD3 và BOMD4 sẽ tiếp nhận quyền này từ BOMD2 và BOMD3 nếu xảy ra trường hợp tương tự.
Ngoài thứ tự để tiếp nhận quyền BOMC như trên thì quyền hạn các BOMD là như nhau. Các BOMD thay mặt BOMC thực hiện chức trách của BOMC ở những phận sự được BOMC phân công.
Đối với việc điều hành công việc thường xuyên của BOM, BOMC sẽ bàn bạc thống nhất với các BOMD trước khi ra quyết định. Nếu có những ý kiến khác nhau thì sẽ theo ý kiến của đa số, BOMC sẽ ra quyết định lựa chọn đối với những ý kiến nào có phiếu ủng hộ của BOMD bằng nhau.
Cho đến khi BOM bầu ra được các BOMC và BOMD chính thức đầu tiên thì anh LÊ THĂNG LONG – người đang giữ quyền BOMC đến thời điểm đó sẽ chỉ định 04 quyền BOMD. Quyền BOMC và 04 quyền BOMD có đầy đủ quyền hạn như BOMC và BOMD được quy định trong quy chế quản trị điều hành tạm thời cho đến khi có được các BOMC, BOMD chính thức được bầu lên.
Nhiệm kỳ của BOMD do quy chế quản trị điều hành chính thức quy định và không nhất thiết theo nhiệm kỳ của BOMC. 
BOMD có thể bị bãi nhiệm trước khi hết nhiệm kỳ. Thủ tục bãi nhiệm giống như việc bãi nhiệm BOMC nhưng chỉ cần 15% tổng số BOMM hiện hành đề nghị.
PHƯƠNG THỨC BỎ PHIẾU CỦA BAN QUẢN TRỊ
Những gì cần quyết định của BOMC phải được gửi đề nghị đến tất cả BOMM hiện hành bằng email và phải được đề nghị bởi những thành viên hoặc nhóm thành viên sau:
- Trưởng ban quản trị có thể tự mình đưa ra đề nghị.
- Ít nhất hai phó ban quản trị có thể cùng kết hợp đưa ra đề nghị .
- Ít nhất 5% tổng số BOMM hiện hành cùng kết hợp đưa ra đề nghị.
Ba trường hợp trên không áp dụng cho những trường hợp mà quy chế này có quy định khác, chẳng hạn như việc bãi nhiệm BOMM, BOMC, BOMD.
Tất cả các đề nghị được gửi đến để BOM quyết định đều phải ghi rõ thời hạn cuối cùng để nhận ý kiến biểu quyết của các BOMM. Thời hạn này không nhanh hơn 05 ngày và không chậm hơn 15 ngày kể từ ngày gửi đề nghị.
Trong thời hạn trên các BOMM sẽ xem xét đề nghị và đưa ra ý kiến biểu quyết của mình là “đồng ý ” hay “không đồng ý “. Các ý kiến này cũng phải được gửi email đến tất cả các BOMM hiện hành. BOMM nào không đưa ra ý kiến biểu quyết thì xem như bỏ phiếu trắng và có thể gửi ý kiến góp ý cho đề nghị đó. Ý kiến góp ý cũng phải được gửi email đến tất cả BOMDM hiện hành.
Chậm nhất 03 ngày sau khi hết thời hạn biểu quyết, BOMC hoặc BOMD nào được BOMC phân công sẽ tổng hợp các ý kiến biểu quyết và ý kiến góp ý và báo cáo kết quả cho tất cả các BOMM hiện hành. Việc quyết định thông qua các đề nghị này sẽ theo các nguyên tắc sau:
- Mọi cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến biểu quyết phải có được ít nhất 70% các ý kiến biểu quyết “đồng ý “ hoặc “không đồng ý“ (tức có không quá 30% bỏ phiếu trắng) trên tổng số BOMM hiện hành thì mới được xem xét tỷ lệ giữa “đồng ý“ và “không đồng ý“ để quyết định. Những đề nghị nào không đạt được yêu cầu này thì những người đề nghị cần xem xét đến các ý kiến góp ý để sửa đổi lại đề nghị và đưa ra biểu quyết lại. Cũng trong trường hợp này, nếu BOMC thấy rằng cần ủng hộ đề nghị đó thì BOMC có thể đưa ra lời kêu gọi của mình đến các BOMM đã bỏ phiếu trắng đề nghị xem xét lại ý kiến và bỏ phiếu lại. Các BOMM này sẽ có thời hạn không quá 03 ngày từ khi nhận kêu gọi của BOMC để đưa ra ý kiến biểu quyết của mình nếu muốn.
- Những đề nghị nào đã nhận đủ ít nhất 70% ý kiến biểu quyết như nói trên thì sẽ được thông qua trở thành quyết định của BOM nếu số ý kiến biểu quyết đồng ý đạt hơn 50% tổng số ý kiến biểu quyết (đồng ý và không đồng ý ) trừ những trường hợp đòi hỏi phải có tỷ lệ này cao hơn (sẽ được quy định dưới đây) và những trường hợp bầu chọn BOMC và BOMD đã quy định ở trên. Nếu tổng số ý kiến biểu quyết đồng ý bằng với không đồng ý thì bên nào có ý kiến biểu quyết của BOMC sẽ là bên thắng thế. Nếu trường hợp này xảy ra mà trước đó BOMC bỏ phiếu trắng thì quyết định cuối cùng sẽ do BOMC quyết định và có thể là: quyết định đồng ý, quyết định không đòng ý hoặc đề nghị những người đưa ra đề nghị sửa đổi đề nghị và đề nghị lại.
- Các đề nghị về sửa đổi quy chế quản trị điều hành, về bãi nhiệm BOMM, BOMC, BOMD chỉ được thông qua thành quyết định của BOM nếu đạt được ít nhất 2/3 số phiếu biểu quyết đồng ý trên tổng số phiếu tham gia biểu quyết.
- Việc sửa đổi mục tiêu, phương thức hành động, quan điểm, tôn chỉ, cương lĩnh của Phong trào đã được công bố trong bản Tổng quan [add link] về phong trào chỉ được thông qua khi nào đạt được ít nhất ¾ số phiếu biểu quyết đồng ý trên tổng số phiếu tham gia biểu quyết.
Khi một đề nghị được thông qua thành quyết định của BOM thì nó sẽ được BOMC hoặc BOMD nào được BOMC phân công thông báo chính thức đến cho tất cả các BOMM bằng emai, đồng thời nó cũng được thông báo rộng rãi trên trang thông tin chính thức của Phong trào và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thời hạn công bố không được chậm hơn 10 ngày kể từ khi hết hạn biểu quyết của cuộc bỏ phiếu dẫn đến việc thông qua quyết định đó.
Mỗi BOMM sẽ sử dụng tài khoản email của mình để gửi đề nghị hoặc ý kiến biểu quyết hoặc góp ý đến các BOMM khác. Tài khoản email này được đăng ký với bộ phận quản lý thông tin của Phong trào. Sau khi Phong trào có điều kiện xây dựng một hệ thống thông tin điện tử riêng thì các BOMM sẽ sử dụng các tài khoản được cấp từ hệ thống này với nhiều tiện ích để thay thế email cá nhân.

CÁC BỘ PHẬN TÁC NGHIỆP

Khi cần thiết BOM sẽ xây dựng các bộ phận tác nghiệp của mình như thư ký, thông tin, vận động, quan hệ cộng đồng, pháp lý, cố vấn, tài chính, giám sát, v.v… để thực hiện các công việc hàng ngày. Thẩm quyền quyết định việc xây dựng, giao trách nhiệm và bổ nhiệm nhân sự cho các bộ phận này sẽ theo nguyên tắc điều hành các công việc hàng ngày của BOM như đã quy định ở trên (xem phần CÁC PHÓ BAN QUẢN TRỊ ). Mọi quyết định này phải được thông báo cho tất cả các BOMM hiện hành ngay sau khi ra quyết định.

THÀNH VIÊN, ỦNG HỘ VIÊN VÀ TÌNH NGUYỆN VIÊN

Thành viên của Phong trào (the Movement's Member   – MM ) là những người đã đủ 18 tuổi và có thể mang bất kỳ quốc tịch nào. MM là những người sẽ bỏ phiếu để bầu các BOMM theo quy chế sẽ được quy định cụ thể trong quy chế quản trị điều hành chính thức. Tiêu chuẩn và cách thức kết nạp các MM cũng sẽ được quy định cụ thể trong bản quy chế đó. Sẽ không kết nạp MM trước khi BOM ban hành quy chế đó.
Ủng hộ viên là những người ủng hộ Phong trào và các chương tình hoạt động của nó. Bất kỳ ai và vào bất kỳ lúc nào cũng có thể tuyên bố mình là ủng hộ viên của Phong trào Con đường Việt Nam  (adherent of the movement of The Path of Vietnam – MA) hoặc sử dụng danh xưng này cho các bài viết hoặc phát biểu của mình.
Tình nguyện viên của Phong trào ( the movement's volunteer – MV ) là những người tình nguyện trợ giúp các hoạt động của Phong trào mà không đòi hỏi thù lao.

CÁC BAN ĐIỀU HÀNH CÁC CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

Ban điều hành (executive board – EB ) là bộ phận trực tiếp điều hành thực hiện chương trình hành động của Phong trào mà BOM đã quyết định. BOM sẽ quyết định việc thành lập EB cho mỗi chương trình hành động và bổ nhiệm Trưởng ban điều hành (executive chief - EC ) và các Phó ban điều hành (executive deputy – ED ) cho nó.
EC phải là BOMM, BOMC hoặc BOMC BOMD có thể kiêm nhiệm EC. ED không cần phải là BOMM. Quy chế quản trị điều hành chính thức sẽ quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn cũng như cơ chế điều hành của EB, EC và ED. Trong thời gian BOM chưa ban hành được quy chế này thì BOMC sẽ đề nghị BOM quyết định các vấn đề cho các chương trình hành động được quyết định trong thời gian này (chẳng hạn như chương trình  hiến chương Chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới ).

TÀI CHÍNH VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Phong trào có thể tổ chức quyên góp, ủng hộ tài chính để có kinh phí hoạt động. Các nguyên tắc và quy định cho việc này sẽ được quy định rõ trong quy chế quản trị điều hành chính thức. Trong mọi trường hợp thì việc này phải được đảm bảo yêu cầu bất di bất dịch là công khai, minh bạch và phải công bố rộng rãi cho bất kỳ ai cũng có thể giám sát việc thu chi.
Khi BOM chưa ban hành được quy chế quản trị điều hành để quy định rõ ràng, chặt chẽ việc quyên góp và chi tiêu thì BOM có thể ban hành quy chế tạm thời để quy định riêng về việc quyên góp và sử dụng tiền quyên góp một cách rõ ràng, chặt chẽ cho một chương trình hành động nào đó của Phong trào. Không được thực hiện việc quyên góp trên danh nghĩa của Phong trào khi BOM chưa công bố chính thức và rộng rãi đến các phương tiện truyền thông đại chúng một trong các quy chế nói trên để đảm bảo yêu cầu công khai minh bạch nói trên.
Trong thời gian Phong trào chưa quyên góp tài chính để hoạt động thì tất cả những người tham gia Phong trào từ MV, MA đến MM va các BOMM hoặc những người khác có đóng góp vào hoạt động của Phong trào đều phải hoạt động bằng chi phí riêng của mình. Đây là việc mà những người tham gia này cần biết rõ, nếu đã quyết định tham gia Phong trào thì cũng tức là tình nguyện chấp nhận tự lo chi phí hoạt động cho mình mà sẽ không yêu cầu Phong trào trả lại sau này.

HIỆU LỰC VÀ BỔ KHUYẾT

Bản quy chế quản trị điều hành tạm thời này có hiệu lực từ ngày được công bố lên trang thông tin chính thức của Phong trào, và sẽ hết hiệu lực khi BOM ban hành quy chế quản trị điều hành chính thức để thay thế nó.
Vì là quy chế tạm thời nên bản quy chế này còn nhiều thiếu sót. Trong quá trình thực hiện việc quản trị điều hành dựa theo bản quy chế này nếu gặp phải những vấn đề nảy sinh mà nó chưa có quy định thì BOMC và các BOMD sẽ trao đổi và quyết định dựa theo nguyên tắc điều hành các công việc thường xuyên của BOM như đã quy định tại phần các PHÓ BAN ĐIỀU HÀNH ở trên.
Các BOMM có trách nhiệm nắm vững quy chế này để thực hiện và để đưa ra ý kiến xây dựng bản quy chế quản trị điều hành chính thức.
BOMC đầu tiên có trách nhiệm tổ chức xây dựng bản quy chế đó và thông qua quyết định của BOM để ban hành nó không chậm hơn 06 tháng kể từ ngày BOMC được bầu lên.
Những người khởi xướng Phong trào

TRẦN HUỲNH DUY THỨC


LÊ THĂNG LONG                                                  LÊ CÔNG ĐỊNH




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét